Cây xương rồng chỉ thực sự mang đến may mắn cho chủ nhân khi được đặt ở vị trí phong thủy thích hợp. Vậy đặt loài cây này ở đâu thì tốt nhất? Xương rồng có thực sự phù hợp với bản mệnh của bạn không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc này, mời các bạn cùng theo dõi.
Đặc điểm - Công dụng của cây xương rồng
(Hoa xương rồng sặc sỡ nên được rất nhiều người ưa chuộng)
Đặc điểm nổi bật của xương rồng là thân cây căng mọng mọc phủ đầy những chiếc gai nhọn hoắt. Nhờ khả năng tích trữ nước, xương rồng có thể sinh trưởng ở những vùng đất hoang vu cằn cỗi.
Thân cây xương rồng tùy theo giống mà sẽ có hình dáng, kích thước, màu sắc khác nhau. Nhiều người đam mê xương rồng bởi những bông hoa mang màu sắc tươi tắn, rực rỡ.
Những loài xương rồng có vẻ đẹp độc đáo được trồng để làm cảnh, góp phần làm tăng thêm tính thẩm mỹ của ngôi nhà. Trong y học, người ta dùng loài cây này để chữa trị một số loại bệnh như đau xương khớp, thanh nhiệt giải độc... Ngoài ra, một số giống xương rồng có thể trở thành nguồn thực phẩm bổ dưỡng.
Ý nghĩa của cây xương rồng trong phong thủy
(Xương rồng tượng trưng cho ý chí kiên cường, bất khuất trước những thử thách)
Với sức sống mãnh liệt hiếm có, xương rồng có thể chống chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chính vì thế, loài cây này được coi là biểu tượng của ý chí, nghị lực kiên cường trước mọi nghịch cảnh trong cuộc sống.
Xương rồng luôn mọc hướng lên trên vậy nên có tác dụng phong thủy là hóa giải vận xui, thu hút vận may để giúp chủ nhân gặt hái thành công trong cuộc sống. Loài cây này còn mang hàm ý chúc phúc cho gia chủ luôn khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực.
Xương rồng nở hoa được coi là điềm báo cho những điều cát lành sắp đến sau quãng thời gian vất vả khó nhọc. Loài hoa này có ý nghĩa may mắn, giúp gia chủ làm ăn phát đạt, thuận buồm xuôi gió. Bên cạnh đó, hoa xương rồng cũng tượng trưng cho tình yêu đôi lứa nồng nàn.
Khám phá ý nghĩa phong thủy của các loài cây khác tại: Lựa chọn cây phong thủy theo tuổi mệnh, vị trí - Sự nghiệp thăng tiến, của cải dồi dào
Cây xương rồng hợp người tuổi nào, mệnh nào?
(Xương rồng thuộc hành Kim nên hợp với người mệnh Kim, tương sinh với người mệnh Thủy)
Mặc dù xương rồng có ý nghĩa tích cực trong phong thủy, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng loài cây này. Nếu bản mệnh của gia chủ không hợp với xương rồng thì cuộc sống không được cải thiện nhiều nếu đặt cây trong nhà.
Theo các chuyên gia phong thủy, cây xương rồng thích hợp với người mệnh Kim và mệnh Thủy. Những người này sẽ tránh được vận hạn, phong trừ tiểu nhân hãm hại và thu hút tài lộc, may mắn khi trồng loài cây này.
Nếu xét theo 12 con giáp, thì cây xương rồng phù hợp nhất với những người cầm tinh con rồng. Loài cây phong thủy này có sức mạnh hóa hung thành cát đồng thời mang đến cho gia chủ tuổi Thìn phúc lộc dồi dào và may mắn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Cách lựa chọn cây phong thủy phù hợp với bản mệnh, mời bạn xem tại: Điểm danh các loại cây phong thủy theo mệnh: Kim - Thủy - Mộc - Hỏa - Thổ
Nên đặt cây xương rồng ở đâu mang tới may mắn, tài lộc?
Trồng cây xương rồng trước nhà
(Xương rồng trồng trước cửa nhà có tác dụng bảo vệ ngôi nhà khỏi năng lượng xấu)
Theo quan niệm dân gian, xương rồng là loài cây phong thủy có khả năng xua đuổi tà khí. Vậy nên, việc trồng loài cây này trước nhà sẽ ngăn chặn những năng lượng xấu, xua đuổi tà ma. Những cây xương rồng cũng có thể được trồng ở hàng rào vì những chiếc gai sắc nhọn sẽ khiến những tên trộm từ bỏ ý định đột nhập vào nhà.
Thế nhưng, cần chú ý rằng cây xương rồng không thích hợp để trồng ở cổng hoặc cửa ra vào. Gai nhọn của loài cây này có thể gây tổn hại tới nguồn dương khí đi vào trong nhà và khiến vận khí của gia chủ giảm sút. Vậy nên, vị trí sau nhà vẫn phù hợp hơn dành cho cây xương rồng.
Các loại cây phong thủy nên được trồng trước nhà: Trồng 20 loài cây phong thủy này trước nhà, gia đạo yên vui tài lộc dồi dào
Đặt cây xương rồng ngoài ban công
Ngoài vị trí sau nhà, thì ban công cũng là vị trí phù hợp để trưng bày chậu cây xương rồng. Khi được đặt ở đúng chỗ, loài cây này chắc chắn sẽ giúp gia chủ chiêu tài đón lộc, gặp nhiều may mắn.
Xương rồng sẽ xua đuổi tà khí ra khỏi ngôi nhà, bảo vệ gia đình khỏi những hung họa. Hơn thế nữa nó cũng sẽ giúp chủ nhân có thêm ý chí kiên định để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Đặt cây xương rồng trên bàn làm việc
(Chỉ có người tuổi Thìn mới gặp may mắn khi đặt cây xương rồng trên bàn làm việc)
Nhiều loài xương rồng cảnh có hình dáng xinh xắn nên được nhiều người chọn để trang trí bàn làm việc. Hơn thế nữa loài cây này cũng có thể làm giảm bức xạ từ các thiết bị điện tử.
Tuy nhiên, xét về mặt phong thủy, cây xương rồng không nên được đặt ở trên bàn làm việc. Vẻ ngoài xù xì gai góc của loài cây này được cho là mang sát khí. Nó có thể khiến chủ nhân bị cản trở, không gặp thuận lợi trên con đường sự nghiệp.
Chỉ người tuổi Thìn mới có thể gặp may mắn khi đặt xương rồng trên bàn làm việc, đặc biệt là hướng Tây Bắc của bàn. Loài cây này có tác dụng trấn áp tà khí và giúp những người tuổi Thìn tránh bị tiểu nhân hãm hại.
Đặt những loài cây này trên bàn làm việc, vạn sự như ý trong sự nghiệp. Hãy tìm hiểu ngay: Cây phong thủy để bàn làm việc dành cho 12 con giáp giúp sự nghiệp hanh thông
Đặt cây xương rồng trong phòng ngủ
(Người ta kiêng đặt chậu cây xương rồng trong phòng ngủ)
Việc đặt chậu cây xương rồng trong phòng ngủ là tối kỵ trong phong thủy. Bởi lẽ, loài cây này mang đến năng lượng tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ. Thậm chí nó sẽ khiến các thành viên trong gia đình trở nên bất hòa.
Hơn thế nữa, gai nhọn của xương rồng có thể vô tình khiến người khác bị thương. Điều này cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Đặt cây xương rồng trong phòng khách
Xương rồng là loài cây không thích hợp để đặt trong phòng khách. Đây là nơi chứa đựng nhiều sinh khí trong căn nhà, phù hợp để mọi người quây quần và thư giãn.
Sự xuất hiện của cây xương rồng ở phòng khách có thể khiến nguồn năng lượng tốt lành đó bị mất đi.
Nên bày những loài cây phong thủy nào trong phòng khách để thu hút tài lộc? Hãy khám phá ngay: Điểm danh 7 loại cây cảnh phong thủy trong phòng khách không thể bỏ qua
Các loại cây xương rồng cảnh phổ biến được yêu thích
(Thân cây xương rồng bà có thể phát triển chiều cao lên tới hai mét)
- Cây xương rồng bà: Xương rồng tiên nhân chưởng, vợt gai hoặc gai bàn chải là tên gọi khác của loài cây này. Thân cây xương rồng bà có thể cao tới 2 mét, được tạo thành từ những lóng dẹt hình vợt bóng bàn, phủ đầy gai to và nhọn. Loài cây này được coi là một vị thuốc Đông y có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giảm đau, cầm ho.
- Cây xương rồng ba cạnh: Cành của loài xương rồng này có ba cạnh với nhiều gai nhọn. Người ta thường trồng xương rồng ba cạnh để làm hàng rào hoặc làm cây cảnh. Nó có tác dụng chữa một số bệnh như viêm dạ dày, đau lưng, cứng xương sống.
- Cây xương rồng 5 cạnh: Đúng như tên gọi, cành của loài cây này có năm cạnh, mỗi cạnh đều có mọc gai nhưng thưa. Xương rồng 5 cạnh có kích thước thân cây lớn nên thường được trồng ở cạnh hàng rào. Người ta thường dùng loại cây này để chữa bệnh có liên quan đến cột sống.
(Xương rồng trứng cút có hình dáng vừa tròn trịa vừa nhỏ nhắn giống như những quả trứng)
- Cây xương rồng mini: Đây là tên gọi chung cho các giống xương rồng có kích thước nhỏ gọn trong lòng bàn tay. Chúng có gai mềm mại, màu sắc bắt mắt và hình dáng ngộ nghĩnh nên thường được sử dụng để trưng bày trong nhà.
- Cây xương rồng trứng cút: Loài xương rồng này thường mọc thành khóm, nhánh cây có hình dáng tròn trịa trông giống những quả trứng tí hon. Gai xương rồng trứng cút trắng tinh, rất mềm khiến người ta liên tưởng đến một lớp tuyết mỏng phủ trên khắp thân cây.
- Cây xương rồng tai thỏ: Người ta thường trồng loài cây này để làm cảnh vì hình dáng độc đáo của nó. Nhành cây xương rồng tai thỏ có dạng phiến hình oval, một thân cây thường mọc ra 2 nhánh giống đôi tai thỏ.
(Những quả xương rồng lê gai đang trong thời kỳ sắp chín)
- Cây xương rồng lê gai: Ở nhiều quốc gia trên thế giới, loài cây này được coi là nguồn thực phẩm bổ dưỡng. Xương rồng lê gai có quả màu đỏ tím, được nhiều người ưa chuộng vì có mùi vị thơm ngon.
- Cây hoa xương rồng bát tiên: Đây là một loài cây cảnh được nhiều người yêu thích. Thân xương rồng bát tiên vừa có thân gai to nhọn vừa có lá xanh đậm. Hoa xương rồng nở quanh năm, có màu sắc lộng lẫy và rất lâu tàn.
(Xương rồng hồng ngọc có hình dáng vô cùng độc đáo, được rất nhiều người ưa thích)
- Cây xương rồng hồng ngọc: Loài xương rồng này là sản phẩm lai tạo độc đáo. Thân cây có hình trụ màu xanh đậm, phần ngọn cây lại có màu đỏ tươi, hình dạng tròn với nhiều múi tỏa đều ra các hướng.
- Cây xương rồng thiên nga: Loài xương rồng này nổi bật với hình dáng tròn trịa và lớp gai mềm mịn như lông thiên nga phủ khắp toàn thân cây. Hoa xương rồng thiên nga có kích thước nhỏ, màu trắng.
- Cây xương rồng bánh sinh nhật: Loài cây này có thể được dễ dàng tìm thấy trong bất cứ cửa hàng cây cảnh nào. Thân cây xương rồng bánh sinh nhật có hình cầu tròn được phủ lớp gai cứng và nhọn. Cây có thể nở ra những bông hoa hồng đậm, nhỏ nhắn.
(Hoa xương rồng càng cua có màu hồng sặc sỡ rất phù hợp để trang trí nhà cửa)
- Cây xương rồng càng cua: Cây xương rồng càng cua mọc thành bụi thấp và nhỏ. Thân cây có dạng dẹt, xanh mướt, không có gai mà có răng cưa ở mép thân. Hoa xương rồng càng cua mọc ở đỉnh các cành, có màu đỏ hoặc hồng tươi tắn.
- Cây xương rồng thanh sơn: Cây có hình dáng trông giống như ngọn núi nhỏ nên còn được gọi với cái tên xương rồng núi. Thân cây xương rồng thanh sơn mọc ra nhiều nhánh con có hình dáng trụ dài. Gai trắng mềm phủ khắp trên những cạnh lồi của cành cây.
- Cây xương rồng kim hổ: Loài xương rồng này có thân cây màu xanh đậm, dạng hình cầu được chia thành nhiều múi sâu tỏa đều ra các hướng. Gai của xương rồng kim hổ màu vàng, mọc nhiều nhất ở phần đỉnh của thân cây.
(Xương rồng Aster là loài xương rồng không gai có hình dáng nhỏ nhắn đáng yêu)
- Cây xương rồng Aster: Đây là loại cây xương rồng không gai rất được yêu thích. Xương rồng Aster có hình dáng tròn mũm mĩm dễ thương. Thân cây được chia thành nhiều múi nhỏ và nông nên còn được đặt tên là xương rồng múi khế. Thay vì có gai nhọn, cây được bao phủ bởi những lông nhỏ, mềm mịn như nhung.
- Cây xương rồng thần long: Điểm nổi bất của loài cây này là những bông hoa có kích thước to và có nhiều màu sắc khác nhau, chẳng hạn như trắng, cam, đỏ, hồng. Thân cây xương rồng thần long có dạng hình cầu, được chia thành nhiều múi với nhiều gai nhọn.
Hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây xương rồng cho dân văn phòng
(Cây xương rồng có sức sống mãnh liệt nên rất dễ chăm sóc)
Cây xương rồng là loài thực vật dễ thích nghi nên phương pháp trồng và chăm sóc đơn giản hơn rất nhiều so với các loại cây cảnh khác.
Loài cây này có thể được trồng và nhân giống theo nhiều cách khác nhau. Hạt giống cây xương rồng mất đến một tháng mới có thể nảy mầm. Nếu bạn không đủ kiên nhẫn thì có thể chọn cách trồng từ cây có sẵn. Cụ thể là bạn chỉ cần dùng dao cắt một nhánh xương rồng rồi để nó ở nơi thoáng mát. Sau khi vết cắt khô hoàn toàn thành sẹo, bạn có thể đem nó trồng xuống đất.
Nhiệt độ thích hợp để xương rồng phát triển là vào khoảng 15 đến 28 độ C. Nếu xương rồng được đặt trên bàn làm việc, bạn chỉ cần tưới nước 1 lần/ 1 tuần. Loài cây này rất ưa ánh sáng nên bạn cần đưa chậu cây ra phơi nắng khoảng 2-3 ngày một lần.
Mong rằng bài viết này đã mang đến những thông tin hữu ích cho những ai yêu thích loài cây xương rồng. Chúc bạn tìm được loài xương rồng phù hợp với bản thân.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.