Lễ Hằng Thuận - Ý nghĩa, Chi phí, Cách tổ chức cho cặp đôi
Góc Tử Vi

Có nên tổ chức Lễ Hằng Thuận hay không? - Những lưu ý mà bạn nên biết

Nội dung (Ẩn/Hiện)


Lễ Hằng Thuận được xem là nghi lễ đặc biệt của hội Phật Giáo. Theo quan niệm, đây được xem là “nền móng” cho sự an yên, hòa thuận của các đôi uyên ương khi bước vào đời sống vợ chồng.

Vậy nếu các cặp đôi không tổ chức buổi lễ này liệu có sao hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời ngay sau đây.

1. Lễ Hằng Thuận là gì?

Các cặp đôi trẻ đang ngày càng chú trọng hơn về ý nghĩa của buổi lễ Hằng Thuận

Các cặp đôi trẻ đang ngày càng chú trọng hơn về ý nghĩa của buổi lễ Hằng Thuận

Lễ Hằng Thuận hay còn được gọi là lễ kết hôn tại chùa. Đây là buổi lễ có ý nghĩa rất quan trọng theo quan niệm Phật giáo. Trong đó, “Hằng” được xem là thường nhật và “Thuận” thì mang ý nghĩa của thuận thảo, hạnh phúc.

2. Nguồn gốc Lễ Hằng Thuận

Lễ Hằng Thuận đầu tiên của Việt Nam là vào năm 1930

Lễ Hằng Thuận đầu tiên của Việt Nam là vào năm 1930

Theo nhiều tài liệu cho thấy, cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật với bút hiệu Đồ Nam Tứ chính là người đầu tiên nhìn nhận được lợi ích to lớn của việc tổ chức lễ cưới tại chùa.

Cũng trong giai đoạn này, lễ cưới của cụ Lê Thị Hoành và cụ Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, Thừa Thiên Huế vào năm 1930 cũng được xem là Lễ Hằng Thuận đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên đến năm 1971, buổi lễ này mới chính thức được đặt tên bởi Hòa thượng Thích Thiện Hòa.

3. Tại sao các cặp vợ chồng nên tổ chức lễ Hằng Thuận?

Việc tổ chức Lễ Hằng Thuận không phải là một nghi thức bắt buộc

Việc tổ chức Lễ Hằng Thuận không phải là một nghi thức bắt buộc

Lễ Hằng Thuận không đơn thuần là một nghi thức của Phật giáo theo lịch âm, mà đây còn là cách để các cặp vợ chồng thể hiện được sự mong ước, sự cam kết về một cuộc sống hôn nhân gia đình đồng lòng và hạnh phúc trong tương lai.

Qua các nghi thức của buổi lễ, các cặp đôi sẽ phần nào hiểu hơn về chữ “Nhịn”, chữ “ Nhẫn” trong đời sống gia đình. Từ đó có thể đồng hành giúp nhau làm tròn trách nhiệm và bổn phận của người vợ người chồng.

Ngoài ra, buổi lễ kết hôn tại chùa còn được thực hiện với mục đích nhắn gửi các cặp đôi phải luôn nhớ đến công ơn dưỡng dục của các đấng sinh thành. Đặc biệt là biết cách làm việc thiện, tích đức cho bản thân và gia đình.

4. Nghi thức Lễ Hằng Thuận được tổ chức như thế nào?

Lễ kết hôn tại chùa sẽ không náo nhiệt giống những buổi lễ thông thường

Lễ kết hôn tại chùa sẽ không náo nhiệt giống những buổi lễ thông thường

Không giống kết hôn tại gia, Lễ Hằng Thuận tại chùa sẽ có những nghi thức hoàn toàn khác. Quy trình cụ thể của buổi lễ sẽ được tiến hành như sau:

  • Khách mời tham dự được phân ngồi sang hai bên theo quy luật “Nam tả, nữ hữu”. Đôi uyên ương tiến vào khu vực chính của sảnh điện - nơi thực hiện các nghi lễ.
  • Vị chủ hôn sẽ đứng ra và trình bày lý do, ý nghĩa của việc tổ chức Lễ Hằng Thuận. Đồng thời giới thiệu các khách mời tham dự.
  • Đại diện gia đình hai bên gửi lời cảm ơn đến quan khách và lời chúc phúc cho cô dâu chú rể.
  • Các cặp đôi lần lượt làm theo những chỉ dẫn của người chủ trì hôn lễ. Cụ thể ở đây có thể là thầy trụ trì hoặc một vị sư thầy tại chùa.
  • Tân lang tân lương cùng nhau đọc lời phát nguyện.
  • Vị chủ hôn sẽ tiến hành buộc dây tơ hồng và mời cặp đôi lần lượt trao nhau nhẫn cưới trước sự chứng kiến của khách mời.
  • Đôi tân lang tân nương sẽ cùng nghe thuyết giảng về đạo lý vợ chồng và bổn phận làm con từ các sư thầy.
  • Đôi uyên ương, đại diện gia đình cùng sư thầy cầu khấn trước Phật và các vị chư tăng. Với mục đích cầu mong Tam Bảo chứng giám và soi đường dẫn lối cho cuộc sống hôn nhân sau này của đôi trẻ.
  • Kết thúc lễ, mọi người cùng nhau dùng bữa tiệc nhẹ hoặc một bữa chay tại chùa.

Lưu ý: Nếu các cặp đôi chưa quy y thì nhà chùa sẽ tiến hành thực hiện nghi lễ này ngay trước khi tiến hành Lễ Hằng Thuận.

5. Các chi phí tổ chức buổi lễ Hằng Thuận

Tùy theo mong muốn tổ chức của các cặp đôi mà tổng chi phí sẽ có sự xê dịch. Tuy nhiên, nhìn chung các khoản phí sẽ chỉ gói gọn trong hai mục cơ bản nhất. Bao gồm: Chi phí cho các nghi lễ và chi phí cho buổi tiệc sau lễ.

Chi phí Lễ Hằng Thuận tiết kiệm hơn rất nhiều so với các lễ cưới tại gia

Chi phí Lễ Hằng Thuận tiết kiệm hơn rất nhiều so với các lễ cưới tại gia

Chi phí cho các nghi lễ

Vì tính chất đơn giản nên chi phí cho các nghi lễ cũng không quá nhiều. Gia đình chỉ cần chuẩn bị một khoản phí cho công tác trang trí và một khoản để cúng dường Tam Bảo - Trai Tăng.

Tùy theo điều kiện tài chính, gia đình có thể chọn 1 trong 2 hoặc cả 2 hình thức cúng dường. Đối với cúng dường Tam Bảo, cô dâu chú rể sẽ phát tâm một khoản phí cho nhà chùa để phục vụ việc kính dâng nhang đèn và hoa quả. Còn về Trai Tăng thì gia đình sẽ gửi phong bì riêng cho các sư tham gia thực hiện chủ trì buổi lễ.

Chi phí cho buổi tiệc sau Lễ Hằng Thuận

Với không gian thanh tịnh tại chùa, cô dâu chú rể chỉ nên đãi tiệc trà bánh nhẹ hoặc một bữa chay nhỏ. Đây sẽ là sự lựa chọn phù hợp nhất. Vì mâm cỗ sau lễ không quá phức tạp nên các cặp đôi sẽ chỉ cần dự trù khoảng 500.000 VNĐ đến 1.000.000 VNĐ cho một mâm tiệc.

6. Những lưu ý khi tổ chức Lễ Hằng Thuận tại chùa

Các buổi lễ tại chùa đều đi kèm với một số quy tắc nhất định

Các buổi lễ tại chùa đều đi kèm với một số quy tắc nhất định

Để buổi lễ được diễn ra tốt đẹp, các cặp vợ chồng nên lưu tâm đến những vấn đề sau đây.

  • Cả vợ lẫn chồng nên quy y và có pháp danh tại chùa trước khi tổ chức lễ. Trong trường hợp chưa có, phải tranh thủ sắp xếp thời gian đến chùa để quy y. Nếu thời gian quá gấp rút, các cặp đôi có thể báo lại với chùa để xin được tiến hành quy y ngay trong buổi Lễ Hằng Thuận.
  • Trước ngày lễ diễn ra, các đôi uyên ương nên đến chùa để bàn bạc về công tác chuẩn bị. Nếu không có kinh nghiệm thì có thể mời ông bà, cha mẹ đi cùng.
  • Nên tìm hiểu và tham khảo các buổi Lễ Hằng Thuận đã từng được tổ chức tại chùa.
  • Khéo léo lưu ý cho các khách mời về trang phục và lời ăn tiếng nói khi tham dự buổi lễ.
  • Trong trường hợp, cô dâu chú rể muốn tổ chức buổi lễ hoàn chỉnh hơn với một bữa ăn chay sau nghi thức thì nên lựa chọn thật kỹ. Vì hiện nay, ở một số chùa sẽ chỉ chuẩn bị những buổi tiệc trà bánh nhẹ. Còn lại sẽ không hỗ trợ bất kỳ một bữa tiệc nào khác nhằm giữ sự tôn nghiêm của không gian tại chùa.
  • Cô dâu chú rể nên dự trù chi phí một cách chi tiết nhất.
  • Gia đình nên cân nhắc kỹ lưỡng khi có ý định tổ chức vào mùa lễ vu lan báo hiếu, tiết thanh minh… Bởi những ngày này, chùa rất đông nên rất khó để các sư thầy quán xuyến hết mọi việc.

7. Một số địa chỉ tổ chức Lễ Hằng Thuận

Những buổi lễ Hằng Thuận luôn được các sư thầy chuẩn bị vô cùng tỉ mỉ

Những buổi lễ Hằng Thuận luôn được các sư thầy chuẩn bị vô cùng tỉ mỉ

Dưới đây là một số địa điểm tổ chức được rất nhiều các cặp vợ chồng lựa chọn. Bạn đọc có thể tham khảo, nhằm tìm ra nơi hợp lý nhất cho ngày lễ quan trọng của mình.

Khu vực TP. Hà Nội:

  • Chùa Bằng: Phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai.
  • Chùa Vạn Phúc: Thôn Đoài, Xã Phù Lỗ, Huyện Sóc Sơn.
  • Chùa Đình Quán: Thôn Đình Quán, Xã Phú Diễn, Huyện Từ Liêm.
  • Thiền viện Sùng Phúc: Tổ 10, Phường Cự Khối, Quận Long Biên.
  • Chùa Lý Triều Quốc Sư: Số 50 Lý Quốc Sư, Quận Hoàn Kiếm.

Khu vực TP. Hồ Chí Minh:

  • Chùa Giác Ngộ: 92 Nguyễn Chí Thanh, Phường 3, Quận 10.
  • Chùa Hoằng Pháp: 188/8 Tân Thới 3, Xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn.
  • Chùa Vạn Đức: 502 Đường Tô Ngọc Vân, Khu phố 5, Phường Tam Phú, Thủ Đức.
  • Chùa Trúc Lâm: 154B Đặng Nguyên Cẩn, Phường 13, Quận 6.
  • Chùa Vĩnh Nghiêm: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 14, Quận 3.

8. Một số hình ảnh về Lễ Hằng Thuận

Cô dâu chú rể nhận bằng chứng nhận từ vị chủ trì hôn lễ

Cô dâu chú rể nhận bằng chứng nhận từ vị chủ trì hôn lễ

Các cặp vợ chồng thành tâm đọc lời phát nguyện trước các sư thầy, gia đình  và quan khách

Các cặp vợ chồng thành tâm đọc lời phát nguyện trước các sư thầy, gia đình  và quan khách

Đại diện gia đình cùng cô dâu chú rể cầu khấn tại sảnh điện

Đại diện gia đình cùng cô dâu chú rể cầu khấn tại sảnh điện

Đôi uyên ương thực hiện nghi thức cảm tạ ân đức dưỡng dục của đấng sinh thành

Đôi uyên ương thực hiện nghi thức cảm tạ ân đức dưỡng dục của đấng sinh thành

Kết luận

Trên đây là các thông tin chi tiết nhất về Lễ Hằng Thuận. Hy vọng qua bài viết này, quý bạn đọc sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của buổi lễ. Từ đó có thể đưa ra những quyết định chu đáo hơn trong công tác chuẩn bị và thực hiện.

Cảm ơn bạn đọc đã tham khảo bài viết!

Đánh giá bài viết: 
Chưa có đánh giá nào