Lễ Vu Lan báo hiếu - Con cái nên làm gì báo đáp cha mẹ?
Góc Tử Vi

Lễ Vu Lan báo hiếu - Nên làm gì để đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ?

Nội dung (Ẩn/Hiện)


Từ lâu, Vu Lan báo hiếu đã trở thành một ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt Nam ta. Đây là một trong những dịp thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với ông bà cha mẹ, hướng về cội nguồn yêu thương.

Để tìm hiểu sâu xa hơn về nguồn gốc, ý nghĩa cũng như những việc nên làm trong ngày lễ Vu Lan, mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này!

1. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu là ngày nào trong năm?

Lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức vào Rằm tháng Bảy Âm Lịch hàng năm

(Lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức vào Rằm tháng Bảy Âm Lịch hàng năm.)

Lễ Vu Lan được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 Âm Lịch (tức Rằm tháng Bảy) hàng năm. Đây là ngày lễ lớn của Phật giáo truyền vào Việt Nam. Qua thời gian, ngày lễ này đã lan rộng và trở thành truyền thống của tất cả người dân.

Ở Việt Nam, ngày lễ Vu Lan trùng với ngày Xá tội vong nhân, còn tại Trung Quốc, ngày lễ này trùng với Tết Trung nguyên. Chính vì vậy, đây là ngày có nhiều sự kiện và hoạt động liên tiếp diễn ra.

Nếu muốn tra cứu ngày Vu Lan theo Dương lịch năm nay thì mời bạn đọc tham khảo: "Đổi ngày Âm Dương". 

2. Sự tích lễ Vu Lan báo hiếu

Xuất phát từ Phật giáo, lễ Vu Lan ra đời gắn liền với sự tích Đại Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ của mình thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Vị Bồ tát này là một trong hai đệ tử của Phật Thích ca đã tu luyện thành công. Mẹ của ông là bà Thanh Đề, đã mất từ sớm.

Sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp quỷ đói

(Sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp quỷ đói.)

Truyện kể rằng, bà Thanh Đề khi sống làm nhiều điều không tốt, do vậy lúc chết bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói. Sau khi tu thành chính quả, Mục Kiền Liên nhớ mẹ nên đã dùng mắt phép để soi xem mẹ mình ra sao. Khi ấy, ông nhìn thấy mẹ mình phải chịu khổ, bị hành hạ đói khát mà không có cách nào cứu mẹ được.

Cuối cùng, Mục Kiền Liên chỉ còn cách cầu cứu, xin sự giúp đỡ của Phật Tổ. Đức Phật đã chỉ dạy rằng phải sắm sửa lễ cúng chư Tăng và ngày Rằm tháng Bảy, nhờ hợp lực của mười phương chư Tăng mới có thể cứu mẹ ông.

Với tấm lòng đại hiếu, Mục Kiền Liên đã làm theo lời Phật dạy và cứu được mẹ của mình. Từ đó trở đi, ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời. Theo thông lệ, cứ tới 15 tháng 7 âm lịch mỗi năm, Tăng, Ni, Phật tử và người dân Việt Nam lại sắm sửa lễ cúng để thể hiện tinh thần tri ân, báo hiếu và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ đã mất được siêu thoát.  

3. Ý nghĩa lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan là dịp thể hiện lòng hiếu thuận của con cái

(Lễ Vu Lan là dịp thể hiện lòng hiếu thuận của con cái.)

Qua thời gian, Lễ Vu Lan đã trở thành nét đẹp văn hóa mang nhiều ý nghĩa đối với người Việt. Đây không đơn thuần là ngày lễ của Phật giáo ca ngợi lòng hiếu thảo của Đại Đức Mục Kiền Liên mà còn có ý nhắc nhở con cái trong gia đình nên hiếu thuận với cha mẹ, biết ơn tổ tiên và đấng sinh thành.

Xét về tính nhân văn, ngày lễ này nói lên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đây là dịp mọi người tìm về cội nguồn, tưởng nhớ tới các anh hùng dân tộc, bậc tiền bối có công với đất nước, tri ân thầy cô đã dạy dỗ ta nên người, … Thông qua đó, lễ Vu Lan báo hiếu góp phần bồi đắp văn hóa tình người của toàn xã hội.

4. Những việc nên làm trong ngày lễ Vu Lan

Trong ngày lễ Vu Lan, có rất nhiều cách để thể hiện sự thành tâm trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Dưới đây là một vài gợi ý về những việc nên làm để bạn đọc tham khảo. 

Tặng quà cho cha mẹ là một trong những việc ý nghĩa

(Tặng quà cho cha mẹ là một trong những việc ý nghĩa.)

Bày tỏ tình cảm của mình với cha mẹ, người thân

Dịp lễ Vu Lan, điều đầu tiên mà chúng ta không nên bỏ qua đó là bày tỏ tình cảm của bản thân với ông bà cha mẹ. Sự hiếu thảo sẽ thể hiện từ những hành động nhỏ như:

  • Tặng quà

Bạn có thể chọn những món quà xuất phát từ sở thích của cha mẹ hay những sản phẩm hỗ trợ cho sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng, … Cho dù đó là món quà rất đơn giản thì các bậc làm cha mẹ cũng rất vui lòng. Bởi không có món quà đắt tiền nào có ý nghĩa bằng việc nhìn thấy con cái luôn yêu thương, quan tâm đến mình cả.

  • Dành thời gian chăm sóc

Đôi khi, vòng xoáy của công việc, của các hoạt động ngoài xã hội khiến bạn dành ít thời gian cho gia đình. Vậy thì lễ Vu Lan báo hiếu chính là dịp để bạn chăm sóc cha mẹ nhiều hơn. Hãy ở bên cha mẹ cùng tâm sự hỏi han, dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa cơm ấm cúng cùng gia đình.

Đối với những bạn sống xa nhà, thì sự trở về cùng gia đình trong ngày lễ này là vô cùng ý nghĩa. Chỉ đơn giản là dành một cái ôm nhẹ nhàng cũng thể hiện được lòng biết ơn sâu sắc với đấng sinh thành. 

  • Lời chúc

Bên cạnh những món quà, sự quan tâm bằng hành động, bạn đừng quên dành cho cha mẹ những lời chúc ý nghĩa. Một lời cảm ơn, một câu chúc mừng hay một câu nói yêu thương đã đủ để khiến cha mẹ nở nụ cười. Cha mẹ có thể chẳng cần bạn phải làm gì cao xa cả, mà chỉ cần những câu nói chân thành của con cái mà thôi.

Ăn chay lễ Vu Lan để tích đức cho cha mẹ

Theo Phật giáo, ăn chay là một tập tục với ý nghĩa không sát sinh, hướng con người tới những điều thanh tịnh. Người ta cho rằng ăn chay sẽ khiến con người hiền lành hơn, bớt cáu giận và làm điều tốt đẹp. Chính vì vậy, ăn chay được cho rằng là một việc rất tốt để tích đức.

Có 2 kiểu ăn chay: Ăn chay trường, ăn chay vào mùng một hoặc ngày rằm. Nếu bạn không ăn chay thường xuyên thì vẫn có thể dành ra một ngày lễ Vu Lan để tích đức và cầu nguyện sức khỏe, bình an cho cha mẹ. Nếu cha mẹ đã khuất thì sẽ được siêu thoát, an yên nơi chín suối.

Đi chùa cầu bình an

Tương tự như ăn chay, đi chùa cầu an, niệm kinh hay làm lễ cúng dường là một cách để tích đức, giúp cho ông bà, cha mẹ được  vui vẻ, khỏe mạnh hơn. Nhân dịp lễ này, bạn có thể cùng bố mẹ đi chùa, ngoài việc cầu nguyện còn khiến tình cảm gia đình thêm gắn kết. Đây cũng là cách để bạn có thể lan tỏa tình lòng nhân ái tới những người xung quanh.

Ngồi thiền, dành thời gian suy ngẫm về bản thân

Với cuộc sống hiện đại ngày nay, đôi lúc chữ “Hiếu” bị mờ nhạt bởi một vài yếu tố. Lễ Vu Lan chính là dịp để chúng ta sống chậm lại, suy nghĩ và nhìn nhận bản thân nhiều hơn. Hãy dành ra một khoảng thời gian ngắn trong ngày để ngồi thiền hay đơn giản là tĩnh tâm xem xét lại những gì đã qua.

Chắc chắn sẽ có những điều bạn đã làm rất tốt, bạn nên tiếp tục phát huy, phấn đấu. Nhưng cũng sẽ có đôi lúc bạn vô tâm với cha mẹ hoặc làm điều gì bồng bột khiến cha mẹ không lo lắng. Đây là lúc bạn nên nói lời xin lỗi, thay đổi để bản thân tốt lên.

Sống một cuộc đời có ý nghĩa

Khi còn trẻ, có thể bạn sẽ không suy nghĩ sâu xa, không biết cha mẹ mình mong muốn điều gì. Nhưng khi bản thân nhận thiên chức làm cha làm mẹ, bạn mới thấu hiểu rằng chẳng cần bất cứ điều gì xa xôi, chỉ cần con mình mạnh khỏe, vui vẻ, sống tốt là mình vui.

Để đền đáp công ơn của đấng sinh thành, có lẽ việc thiết thực nhất là bản thân phải sống một cuộc đời tích cực. Hãy tự phấn đấu trở thành nguồn động viên, niềm tự hào cho cha mẹ. Ngay từ nhỏ, bạn có thể rèn luyện học tập, đạo đức tốt. Khi trưởng thành, vừa là một người con có hiếu, vừa là một thành viên có ích cho xã hội.

5. Truyền thống lễ nghi của ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Trong văn hóa của nhiều nước trên thế giới, ngày lễ Vu Lan báo hiếu cũng được tổ chức thường niên. Tuy nhiên, mỗi nước có một phong tục khác nhau, do đó ngày lễ này sẽ có sự khác biệt.

Hoạt động thả đèn trong ngày lễ Vu Lan

(Hoạt động thả đèn trong ngày lễ Vu Lan.)

Trung Quốc

Lễ Vu Lan, Tết Nguyên đán, Tết Trùng Cửu là 3 ngày lễ quan trọng đối với người dân ở Trung Quốc. Theo tín ngưỡng dân gian, người Trung Quốc cho rằng tháng 7 là tháng cô hồn, cửa địa ngục sẽ mở cho tất cả vong hồn về thăm người thân. Vào ngày lễ Vu Lan, người ta thường đi thăm, sửa sang mộ phần của người thân đã khuất.

Các vị Tăng, Ni, Phật tử ở nước này sẽ tổ chức các buổi lễ cầu siêu, cầu an. Do vậy, ngoài làm lễ cúng tổ tiên, thực hiện thủ tục đốt vàng mã, người dân còn tới chùa phát gạo cho người nghèo khổ, làm lễ phóng sinh để tích đức cho cha mẹ.

Mỗi địa phương ở Trung Quốc cũng có những nét đặc trưng riêng trong ngày lễ Vu Lan. Tại Phúc Kiến, tất cả phụ nữ sẽ trở về nhà và tặng quà cho cha mẹ. Tại Quảng Tây, lễ cúng mặc định sẽ phải giết vịt bởi họ cho rằng các linh hồn thường nhờ vịt cõng để đi lại trong trần gian. Hay ở Giang Tô, tục lệ truyền thống hàng năm là thả thuyền chở Kinh Phật, đèn lồng, đồ ăn cho cô hồn trên sông, ...

Việt Nam

Đối với người dân Việt Nam, ngày lễ Vu lan đã trở thành một thông lệ không thể thiếu trong văn hóa tâm linh. Các tín đồ Phật tử đến chùa để làm lễ cúng dường lên Đức Phật, làm lễ cầu siêu cho các linh hồn đã khuất.

Người dân cũng đến chùa để cầu an, hồi hướng công đức cho người thân của họ. Bên cạnh đó, ngày lễ này trùng với ngày “xá tội vong nhân” nên hầu hết gia đình đều làm 2 mâm cúng: Một mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ và một mâm cúng chúng sinh trước nhà.

Nghi thức bông hồng cài áo tại Việt Nam

(Nghi thức bông hồng cài áo tại Việt Nam.)

Đặc biệt, từ năm 1962, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã khởi xướng nghi thức “Bông hồng cài áo” để nhắc nhở lòng hiếu thảo của con cháu với cha mẹ. Những ai còn mẹ thì cài bông hồng màu hồng màu đỏ trên ngực, còn những ai không may mẹ đã khuất thì cài bông hồng màu trắng.

Nhật Bản

Ở Việt Nam và một số nước Á Đông tổ chức ngày lễ Vu Lan báo hiếu vào Rằm tháng Bảy hàng năm nhưng ở Nhật lại có ngày lễ riêng vào tháng 8 Dương Lịch. Ngày lễ này có tên gọi là Obon hay Bon, mang ý nghĩa tưởng nhớ người thân trong gia đình đã mất.

Obon được diễn ra trong ba hoặc bốn ngày, bao gồm cả phần lễ và phần hội. Bên cạnh việc thực hiện nghi thức, mâm lễ đón và tiễn các linh hồn, họ tổ chức một số hoạt động chung trên đường phố. Điển hình là Lễ dâng lửa, hoạt động thả thuyền giấy hay tất cả cùng múa điệu dân gian Bon-Odori.

Các quốc gia khác

Một số nước ở châu Á cũng có tổ chức ngày lễ Vu Lan như Malaysia, người dân nghỉ làm đồng áng trong ngày này và làm các nghi lễ cúng cho các vong linh siêu thoát.

Tại Campuchia, họ có ngày lễ Pchum Ben vào tháng 9 Dương lịch với ý nghĩa tương tự như lễ Vu Lan. Người dân sẽ mặc đồ trắng đến chùa, cúng dường để “gửi” những vật phẩm cho người thân quá cố, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.

Ở Thái Lan, người dân tổ chức Lễ Vu Lan báo hiếu rất rầm rộ, huyên náo. Họ thường đến nghe thuyết giảng, tiếp thu những điều hay lẽ phải từ các nhà sư. Bên cạnh đó, một hoạt động nổi bật của người Thái trong ngày lễ này là rước mặt nạ bằng vỏ trấu hoặc lá dừa.

Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về lễ Vu Lan báo hiếu. Dù bạn là ai, có đi đâu hay làm gì đi chăng nữa thì hãy luôn nhớ rằng giá trị của mỗi con người không thể hiện ở vẻ bề ngoài, mà nó thể hiện ở đạo làm con.

Mùa Vu Lan sắp đến, hãy nhớ về sự tích lễ Vu Lan để làm tròn chữ hiếu. Chúc cho bạn và tất cả những người con trên thế giới này có một ngày lễ đầy yêu thương bên ông bà, cha mẹ, người thân!

Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết!

Đánh giá bài viết: 
Chưa có đánh giá nào