Ngày 11/11 là một ngày lễ không chính thống dành riêng cho hội độc thân. Vì vậy có thể nhiều bạn chưa từng nghe tới những câu chuyện đặc biệt về ngày 11/11 này.
Bài viết này sẽ mang tới những thông tin khiến bạn ngạc nhiên hơn về ngày 11/11 đấy!
(Ngày 11/11 có gì hay ho?)
1. “Sự tích” về ngày 11/11
Có rất nhiều câu chuyện truyền miệng kể lại, xuất phát điểm của ngày 11/11 là vào năm 1993 tại Trung Quốc. Hồi ấy, có 4 anh sinh viên “FA hạng nặng” sống chung ký túc xá tại đại học Nam Kinh. Họ cùng ngồi quây quầy suy nghĩ cách vẫn FA nhưng không cô đơn nữa.
Họ để ý thấy rằng con số 11/11 rất thích hợp để làm ngày tôn vinh những người độc thân. Bởi 4 con số 1 trông như 4 chiếc gậy, tượng trưng cho 4 người độc thân. Xuất phát từ một ngày lễ vốn được giới trẻ “chế” ra cho vui, chả ai ngờ ngày độc thân lại có sức lan rộng đến thế.
(Ngày 11/11 viết đơn giản trông như 4 cây gậy, tượng trưng cho 4 người độc thân)
2. Ngày 11/11 tại các quốc gia phương Đông
Từ một câu chuyện ngẫu nhiên, ngày 11/11 dương lịch đã được nhiều người hưởng ứng, lan rộng ra đó là các quốc gia ở phương Đông. Cụ thể như:
Tại Trung Quốc
Người Trung quan niệm 4 số 1 lần lượt đại diện cho Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa - Mọi sự tốt đẹp. Vì lý do đó, nhiều người Trung chọn ngày 11/11 để bắt đầu kinh doanh, với hy vọng gặp nhiều may mắn và tài lộc.
Còn trong thời đại mạng xã hội thống trị, chiếc video than thở về việc độc thân của một nam sinh viên nọ đã châm lên mồi lửa cho hội FA Trung Quốc nói riêng và trên toàn châu Á nói chung. Từ đó, con số 11/11 cũng khoác lên mình một ý nghĩa hoàn toàn mới.
Vào ngày 11/11, hội độc thân Trung Quốc có rất nhiều hoạt động thú vị. Từ mua sắm, tụ tập tiệc tùng, ăn uống, hát hò… Đây là ngày những kẻ độc thân tìm đến nhau để giải tỏa mọi nỗi cô đơn, lẻ bóng.
Có thể bạn chưa biết, món ăn yêu thích của các bạn trẻ Trung Quốc vào ngày 11/11 là những chiếc bảnh quẩy. Không khó để đoán lý do đúng không nào? Đó là do những chiếc bánh quẩy có hình dáng giống như những cây gậy.
Bên cạnh ngày lễ 11/11 đầy thú vị thì còn có những ngày lễ khác trong năm mà bạn chắc chắn nên biết. Xem ngay tại: ''Đọc ngay để không bỏ lỡ những ngày lễ, Tết quan trọng ở Việt Nam và trên khắp thế giới''
Tại Hàn Quốc
Con số 11.11 tại Hàn Quốc cũng có liên quan tới những cây gậy. Nếu tại Trung Quốc dùng ngày này để tôn vinh hội độc thân thì ở Hàn, ngày 11/11 là một ngày đáng yêu hết nấc khi mọi người đều có thể bày tỏ tình cảm với bất cứ ai mình yêu thương, trân quý.
Ngày 11/11 tại Hàn còn được gọi vui vui là ngày lễ Pepero, với mục đích hao hao Valentine, ngày mọi người trao nhau bánh que Pepero thay cho socola. Điều thú vị là hình dáng của những chiếc bánh này không khác những cây gậy là mấy.
Ngày lễ Valentine 14/2 có nguồn gốc và ý nghĩa gì đặc biệt đối với những cặp tình nhân? Tìm hiểu thêm tại: ''Ngày 14 tháng 2 là ngày gì? Nên tặng quà gì ý nghĩa trong ngày Valentine?''
Khác với “sự tích” bên Trung Quốc, nguồn gốc ngày 11/11 ở Hàn xuất phát từ nguyện vọng được có thân hình thon gọn của một nhóm nữ sinh mũm mĩm ở Busan. Họ tin rằng số 1 tượng trưng cho dáng chuẩn, và ăn một bánh có hình dạng giống số 1 sẽ giúp họ giảm cân.
Có lẽ vì vậy mà ngày 11/11 những năm sau đó, bánh Pepero sản xuất ra liên tục “cháy hàng”. Giới trẻ Hàn cũng hay đồn đại với nhau là vào ngày 11/11 mà ăn đủ 11 hộp Pepero lúc đồng hồ điểm 11:11 và ăn trong đúng 11 giây thì eo sẽ thon, chân sẽ dài thẳng tắp.
(Bánh Pepero là biểu tượng của ngày 11/11 tại Hàn Quốc)
Tại Nhật Bản
Giới trẻ xứ sở mặt trời mọc cũng tận hưởng lễ độc thân bằng món bánh Pocky trứ danh của mình. Tuy nhiên không khí có phần lặng lẽ, trầm lắng hơn. Bánh Pocky cũng na ná Pepero của Hàn vậy, đều là bánh que phủ socola và trông như cây gậy.
Tại Việt Nam
Nói về bắt kịp trào lưu thì khó quốc gia nào qua mặt được Việt Nam. Giới trẻ Việt đã nâng cấp ngày lễ độc thân này lên một tầm cao mới. Vào ngày mà cả châu Á cho rằng những người độc thân nên tụ tập lại vui chơi với nhau, các bạn trẻ Việt lại nô nức làm… đám cưới.
Nghe ngược đời là vậy, nhưng đây là một niềm tin và ước ao của rất nhiều bạn độc thân. Họ nghĩ rằng ngày 11/11 là một ngày may mắn để kết hôn. Và nếu làm đám cưới vào đúng ngày này, cô dâu chú rể sẽ sống hạnh phúc bên nhau đến răng long đầu bạc.
Và có một hoạt động mà giới trẻ Việt cũng hưởng ứng chung với giới trẻ toàn châu Á vào ngày này, đó là mua sắm. Rất nhiều nhãn hàng nổi tiếng và sàn thương mại điện tử nắm bắt tâm lý giới trẻ và dành riêng hẳn một ngày để tri ân hội độc thân bằng rất nhiều ưu đãi.
3. Bật mí 5 điều thú vị dành cho “dân FA” trong ngày 11/11
(11/11 - Ngày vàng săn sale)
Thời điểm vàng để săn sale
Thực ra công cuộc săn sale đã rộn ràng khắp giới độc thân từ khoảng một tuần trước ngày 11/11. Bởi vì các nhãn hàng thường sale đậm nên các bạn trẻ phải vạch ra chiến lược săn thông minh, hiệu quả. Đây là một việc làm thú vị đồng thời cũng khiến dân FA lao tâm khổ tứ.
Theo một khảo sát, lễ độc thân 11/11 được cho là ngày mua sắm trực tuyến khủng nhất Châu Á. Về khả năng càn quét thì nó mạnh mẽ không thua gì sự kiện Black Friday tại Hoa Kỳ. Các mặt hàng được săn nhiều nhất là quần áo, mỹ phẩm và đồ điện tử.
Ngày lễ độc thân nhưng lại đi kết hôn, tại sao không?
Việt Nam có lẽ dẫn đầu trong công cuộc cải cách ngày lễ táo bạo này, nhưng bằng chứng xác thực nhất lại đến từ Trung Quốc. Đã có thống kê cho thấy, con số những cặp đôi kết hôn tăng đột biến từ 700 cặp vào ngày thường lên 4000 cặp vào ngày 11/11, chỉ riêng tại Bắc Kinh.
Nhiều người cho rằng ngày 11/11 là cột mốc quan trọng để thoát kiếp FA, nên kết hôn là chuyện nên làm. Nhưng vì việc này cũng không đơn giản, nên rất nhiều bạn trẻ tỏ tình bằng tất cả phương pháp, với hy vọng chiếm được trái tim người mình yêu.
Ngày lý tưởng để hẹn hò giấu mặt
Cũng dựa trên ý tưởng “thoát kiếp FA”, rất nhiều bạn trẻ không vui chơi, mua sắm tẹt ga như bè bạn, mà chọn 11/11 để bắt đầu một mối quan hệ mới. Trong ngày này, nhiều cuộc hẹn giấu mặt được tổ chức, và nếu không tìm được người yêu thì ta cũng có thêm một người bạn.
Hashtag “Hôm nay tôi sẽ không mua sắm” leo lên top trending
Dẫu biết ngày 11/11 là thời điểm vàng để mua sắm, nhưng một bộ phận giới trẻ độc thân vẫn quan niệm việc mua sắm này làm mất giá trị cốt lõi của lễ độc thân. Họ kiên quyết với nhận định ngày này lẽ ra phải là ngày tôn vinh bản thân mình chứ không phải để “săn deal giá rẻ”.
Chính vì vậy mà vào ngày 11/11 hằng năm, chiếc hashtag với nội dung “Hôm nay tôi sẽ không mua sắm” lại lặn lội leo lên top trending các trang mạng xã hội như Facebook hay Weibo.
4. Ngày 11/11 - Từ ngày của dân “FA” đến lễ hội mua sắm lớn nhất Châu Á
(Ngày 11/11 sao có thể thiếu mua sắm được?)
Trung Quốc là khởi điểm của ngày lễ độc thân, đây là bàn đạp cho nhiều ông lớn phát triển thương hiệu của mình. Nói không đâu xa, chính Jack Ma - người thống lĩnh “đế chế” Alibaba cũng lấy chính ngày 11/11 để thực hiện chuỗi chương trình khuyến mãi ngày lễ của mình.
Chính Jack Ma nói ông muốn tất cả những người độc thân trong ngày này phải tự biến mình thành những ông hoàng, bà hoàng. Phải biết tự thưởng cho bản thân. Mọi ưu đãi dịp 11/11 đều nhắm đến những người độc thân như là một sự khuyến khích, cổ vũ tinh thần mạnh mẽ.
Vào ngày 11/11, không chỉ ở Trung Quốc, mà hầu hết ở khắp các quốc gia châu Á, người trẻ đều có thể thoải mái mua sắm những mặt hàng mình mong muốn với giá rẻ hơn rất nhiều so với ngày thường.
Rất nhiều năm, ngày mua sắm 11/11 vượt mặt những đối thủ sừng sỏ như Black Friday hay Cyber Monday để trở thành ngày lễ mua sắm được mong đợi nhất. Bởi vì trong ngày này, nhiều mắt hàng sale đậm, sale khủng có khi tới 90%.
Chính vì vậy mà dần dần, 11/11 đã không còn đơn thuần dành riêng cho các bạn trẻ cô đơn nữa. Ngày này cũng trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn hẳn khi mà tất cả mọi người đều có thể mua được món đồ ăn ý cho mình hoặc cho người thân, bè bạn.
Trên đây là “tất tần tật” những điều hay ho về ngày 11/11. Thử nhớ lại xem bạn có đang muốn mua món đồ gì mà chưa đủ tiền không? Đánh dấu ngay ngày 11/11 vào lịch, có thể bạn sẽ được mua món đồ ấy với giá rẻ như cho đấy!