Tết Hàn Thực là gì? Ý nghĩa tục bánh chôi bánh chay
Góc Tử Vi

Tết Hàn Thực - Tìm hiểu từ A đến Z về ngày 03/03 Âm lịch

Nội dung (Ẩn/Hiện)


Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày 03/03 Âm lịch hàng năm. Để hiểu rõ hơn về ngày này, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau đây.

1. Tết Hàn Thực là gì?

Tết Hàn Thực gắn liền với món bánh trôi bánh chay

Tết Hàn Thực gắn liền với món bánh trôi bánh chay

Trong tiếng Hán, “Hàn” chỉ đồ lạnh, “Thực” nghĩa là đồ ăn. Tết Hàn Thực được xem như một ngày truyền thống hàng năm để thưởng thức những món đồ mát lạnh cho thời điểm cuối xuân, lập hạ.

Năm 2021, Tết Hàn Thực diễn ra vào Thứ 4, ngày 14/04 Dương lịch (tức ngày 03/03 Âm lịch).

2. Sự tích Tết Hàn Thực?

Ăn những món bánh chay mát lạnh trong Tết Hàn Thực

Ăn những món bánh chay mát lạnh trong Tết Hàn Thực

Tết Hàn Thực vốn xuất phát từ một điển tích tại Trung Quốc. Tương truyền vào thời Xuân Thu, nước Tấn gặp nội loạn. Nhà vua (Tấn Văn Công) bấy giờ mới là thái tử phải lưu trú nay nước Sở, mai nước Tề để bảo toàn tính mạng. Trong suốt 19 năm khó khăn luôn có một hiền sĩ đồng cam cộng khổ tên Giới Tử Thôi.

Giới Tử Thôi là một người trung thành lại tài giỏi, không ngại hy sinh bản thân. Ông hết lòng phò tá, hiến kế nhiều mưu lược khôn khéo giúp Tấn Văn Công lên ngôi vương vị. Thế nhưng, khi trở về làm vua nước Tấn, nhà vua lại quên mất ông. Đến khi nhớ ra, Giới Tử Thôi đã cùng mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.

Tấn Văn Công đích thân đi thuyết phục với mong muốn ông trở lại bên cạnh phò tá nhưng Giới Tử Thôi không chịu ra mặt. Quân lính hiến kế nhà vua đốt rừng để uy hiếp ông. Nào ngờ, hai mẹ con cứ như vậy chết cháy.

Nhà vua thương xót cho lập miếu thờ Giới Tử Thôi. Ông còn thông cáo người dân trong nước tắt bếp, không đốt lửa vào 3 ngày từ 3/3 - 5/3 Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ.

Sau hàng nghìn năm, sự tích này mai một, người ta chỉ nhớ cứ đến ngày này thì ăn những món đồ mát lạnh như một truyền thống không thể bỏ qua.  

3. Ý nghĩa Tết Hàn Thực?

Cùng làm bánh trong ngày Tết Hàn Thực giúp gắn kết gia đình

Cùng làm bánh trong ngày Tết Hàn Thực giúp gắn kết gia đình

Tết Hàn Thực mang thông điệp tri ân, tưởng nhớ. Cứ mỗi khi đến ngày 03/3 Âm lịch, điều đầu tiên người Việt làm là dâng những đĩa bánh trôi, bánh chay lên gia tiên. Vừa để cầu sự bình an, sức khỏe cũng vừa tỏ lòng biết ơn, nhớ về cội nguồn của mình.

Tết Hàn Thực còn mang ý nghĩa quây quần. Sự tròn trịa, hình ảnh kết dính giữa các viên bánh trôi, bánh chay tượng trưng cho tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong nhà. Nếu gia đình nào có thể sắp xếp thời gian cùng nhau nặn bánh, chuẩn bị mâm cỗ dâng tổ tiên thì ngày Tết Hàn Thực sẽ ngọt ngào giống như hương vị của những chiếc bánh trôi, bánh chay.

4. Tết Hàn Thực người Việt ăn gì?

Vào ngày này, người Việt thường ăn bánh trôi, bánh chay. Ngoài ra, ở một số tỉnh thành miền núi phía Bắc còn làm bánh quả nhót để thưởng thức trong ngày Tết Hàn Thực.

Bột bánh dẻo, thơm mùi nếp kết hợp với vừng rang, đỗ xanh cùng nước dùng từ sắn, đường phèn là thức ăn giải nhiệt cho cơ thể rất tốt.

5. Cách làm bánh trôi - bánh chay ngày Tết Hàn thực

Bánh trôi bánh chay được làm từ bột gạo

Bánh trôi bánh chay được làm từ bột gạo

Cách làm bánh trôi

* Nguyên liệu chuẩn bị:

  • Gạo nếp
  • Gạo tẻ
  • Nước trắng
  • Đường phên
  • Vừng rang
  • Máy xay sinh tố
  • Khăn, tô sạch

* Cách làm:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Trộn gạo nếp và gạo tẻ theo tỉ lệ 9: 1 hoặc 8: 2 cho vào máy xay và đổ nước sấp mặt gạo. Xay nhuyễn đến khi hỗn hợp mịn sánh thì đổ ra tô sạch đã lót khăn. Buộc lại và treo lên cao để róc hết nước. Sau một đêm lấy xuống ta có hỗn hợp bột để nặn bánh trôi.

- Đường phên thái hạt lựu. Bột chia viên bằng một đốt tay.

Bước 2: Nặn bánh

Bấm dẹt vỏ bánh, cho một viên đường phên vào và vo tròn.

Bước 3: Luộc bánh

- Chuẩn bị một nồi nước to, đun đến khi sôi thả bánh vào. Khi chín bánh nổi lên mặt nước. Vớt bánh qua một thau nước lạnh sạch.

- Sau khoảng 3 phút thì xếp ra đĩa, rắc một lớp vừng rang lên trên.

Cách làm bánh chay

Luộc bánh chay tương tự bánh trôi

Luộc bánh chay tương tự bánh trôi

* Nguyên liệu chuẩn bị:

  • Bột bánh
  • Đường cát
  • Đậu xanh vỡ
  • Dừa tươi bào sợi
  • Dừa tươi nạo mịn
  • Sữa đặc ông Thọ
  • Tinh dầu bưởi/ Vanilla
  • Bột sắn

* Cách làm:

Bước 1: Chuẩn bị nhân bánh, nặn bánh

- Đậu xanh sau khi ngâm nước ấm khoảng 2 giờ thì cho lên xưởng hấp chín. Cho vào máy xay hoặc dùng muỗng cơm tán đến khi thành hỗn hợp nhuyễn mịn.

- Thêm sữa đặc, dừa tươi nạo mịn và trộn đều hỗn hợp đậu xanh cho đến khi nếm thử độ ngọt phù hợp khẩu vị của bạn.

- Vo thành viên tròn kích thước bằng đồng xu 5000.

- Chia bột bánh sao cho phủ bọc nhân, vo viên tròn.

Bước 2: Luộc bánh

Cách làm tương tự như bánh trôi

Bước 3: Chuẩn bị nước dùng

Chuẩn bị 30g bột sắn hòa với 40ml nước lọc cùng 1 thìa cà phê đường. Sau khi đun sôi 500ml nước thì đổ hỗn hợp sắn hòa vào khuấy tan. Thêm vài giọt tinh dầu bưởi hoặc vanilla và tiếp tục đun đến khi bột trong lại.

Bước 4: Bày bánh

Chan nước dùng vào bánh chay, rắc thêm một chút đậu xanh và dừa bào sợi lên trang trí.

6. Nghi thức cúng tết Hàn Thực của người Việt Nam

Bánh trôi bánh chay không thể thiếu trong mâm lễ cúng Tết Hàn Thực

Bánh trôi bánh chay không thể thiếu trong mâm lễ cúng Tết Hàn Thực

Mâm lễ cúng ngày Tết Hàn Thực

Mâm lễ cúng ngày Tết Hàn Thực rất đơn giản. Vì là cúng chay nên chỉ cần chuẩn bị:

  • 3 hoặc 5 bát bánh trôi, bánh chay
  • Mâm ngũ quả
  • Trầu cau, hoa tươi
  • Nước sạch hoặc trà
  • Tiền vàng

Cách cúng ngày Tết Hàn Thực?

Khi cúng ngày Tết Hàn Thực, chúng ta không cần sắm sửa quá nhiều vàng mã tốn kém. Chỉ cần thành tâm chuẩn bị mâm lễ cúng tiêu chuẩn như trên là đủ.

Đối với gia đình thờ riêng một ban Phật và một ban gia tiên thì số lượng lễ vật chuẩn bị sẽ nhân đôi. Nhưng cần lưu ý không dâng tiền vàng ở ban thờ Phật.

Về thời gian, thông thường cúng ngày Tết Hàn Thực diễn ra ban ngày. Gia chủ có thể xem giờ đẹp thắp hương. Tuy nhiên do 03/03 Âm lịch năm nay rơi vào ngày thường nên với những người bận rộn có thể tự sắp xếp thời gian hợp lý.

Bài cúng Tết Hàn Thực?

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại hai bên

Tín chủ (chúng) con là: … Ngụ tại: ...

Hôm nay là ngày … Dương lịch (tức ngày 03/03 Âm lịch) gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con tưởng nhớ tới ơn sâu nghĩa nặng của chư vị Tôn thần, Tiên tổ dòng họ. Chúng con thành tâm sắm sửa hương hoa, lễ vật, đốt nén nhang dâng lên trước án.

Con xin kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần giáng lâm trước án hưởng thụ lễ vật, chứng giám lòng thành tâm.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ..................... giáng về linh chứng cho con cháu, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, che chở cho gia chủ mọi chuyện hanh thông, thuận lợi, toàn gia khỏe mạnh, bình an, may mắn.

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

7. Giải đáp một số thắc mắc về ngày Tết Hàn Thực

Tết Thanh Minh là ngày tảo mộ khác với ngày Tết Hàn Thực

Tết Thanh Minh là ngày tảo mộ khác với ngày Tết Hàn Thực

Tết Hàn Thực là của người Việt hay người Trung Quốc?

Tết Hàn Thực là của người Việt và người Trung. Mặc dù dân gian lưu truyền sự tích ngày này bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng đây cũng là một ngày truyền thống lâu đời của người Việt.

Các nhà sử học nghiên cứu văn hóa phương Đông cho rằng Tết Hàn Thực xuất phát từ nền văn minh lúa nước. Do nguyên liệu tạo nên bánh trôi bánh chay là gạo nếp, gạo tẻ.

Tại Việt Nam, người ta cho rằng Tết Hàn Thực xuất phát từ câu chuyện bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 người con lên rừng, bánh chay tượng trưng cho 50 người con xuống biển.

Ngoài ra, bánh trôi bánh chay còn gắn liền câu chuyện về Hai Bà Trưng trên đường đi đánh giặc đuổi quân Ân. Bấy giờ có một bà cụ vì kính trọng hai nữ vương nên đã dâng đĩa bánh trước khi ra trận. Từ đó trở về sau cứ đến Tết Hàn Thực, người dân dâng bánh trôi bánh chay lên đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội.

Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh?

Tết Hàn Thực không phải là Tết Thanh Minh. Dù chúng đều diễn ra trong tháng 3 nhưng Tết Hàn Thực tính theo lịch Âm (01 ngày vào 03/3 Âm lịch) còn Tết Thanh Minh thường bắt đầu trong thời gian dài (từ ngày 4-5/4 đến 20-21/4 Dương lịch).

Ngoài ra, hoạt động trong hai ngày Tết cũng không giống nhau. Vào ngày Tết Hàn Thực, người ta thường làm bánh trôi, bánh chay cúng gia tiên tại nhà. Trong khi mỗi dịp Tết Thanh Minh, con cháu sẽ cùng nhau đi tảo mộ.

Như vậy, bài viết trên đã tổng hợp tất cả những gì bạn cần biết về ngày Tết Hàn Thực. Hy vọng thông tin chúng tôi cung cấp là hữu ích.

Cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi bài viết.

Đánh giá bài viết: 
Chưa có đánh giá nào