Tết Nguyên Đán - Phong tục ăn Tết Âm của người Việt
Góc Tử Vi

Tết Nguyên Đán - Phong tục ăn Tết Âm của người Việt

Tết Nguyên Đán là dịp tết được biết đến nhiều nhất, đồng thời được ngóng đợi nhất trong năm. Đây là ngày mang vẻ đẹp truyền thống đặc sắc không nơi nào có của người Việt Nam.

Nhưng liệu chúng ta có biết tường tận về Tết Nguyên Đán? Cùng tìm hiểu ngay!

1. Tết Nguyên Đán là gì?

Tết Nguyên Đán, hay người Việt mình còn gọi là Tết Ta hay chỉ thân thương một chữ Tết. Dịp Tết này bắt đầu vào ngày mồng Một tháng Giêng âm lịch của Việt Nam và một số quốc gia vùng Đông Á.

Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng và lớn nhất trong năm

(Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng và lớn nhất trong năm)

2. Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán

Hãy cùng lội ngược dòng thời gian tìm hiểu khởi nguồn của Tết Nguyên Đán tại Việt Nam và khu vực Đông Á nhé.

Tại Việt Nam

Nguồn gốc của Tết Ta đến nay vẫn chưa được xác thực. Nhiều nguồn tin khẳng định Tết du nhập từ Trung Quốc vào nước ta trong ngàn năm Bắc thuộc. Nhưng Tết thậm chí đã xuất hiện trong sự tích “Bánh chưng bánh giầy”, tức người Việt đã ăn Tết từ tận thời vua Hùng.

Cái tên “Tết Nguyên Đán” được người Việt gọi cho ngày lễ lớn nhất trong năm, với ý nghĩa một khởi đầu trọn vẹn.

Tại Đông Á

Tại Trung Quốc - quốc gia được cho là xuất phát điểm của Tết Nguyên Đán, dịp lễ này được cho là có từ năm Tam Hoàng Ngũ Đế 2879 TCN. Một giả thiết khác hợp lý hơn là Tết của người Hoa xuất phát từ các dân tộc Bách Việt phương Nam, sau này người Hán chỉ kế tục.

Ở Đài Loan, Tết Nguyên Đán cũng là dịp lễ lớn nhất trong năm. Người Đài Loan hay quây quần bên nhau hoặc tham gia hội thả đèn lồng nổi tiếng tại làng cổ Thập Phần.

Những ánh đèn lung linh huyền ảo trên bầu trời năm mới Đài Loan

(Những ánh đèn lung linh huyền ảo trên bầu trời năm mới Đài Loan)

Người Hàn Quốc đón Tết Nguyên Đán dưới cái tên “Seollal”, với thời gian diễn ra không khác mấy ở Việt Nam. Tương tự với Triều Tiên, chỉ có điều phong tục truyền thống có nhiều điểm khác biệt.

Tết Nguyên Đán ở Mông Cổ lại có tên là Tsagaan Sar, hay Tết Tháng Trắng - thời điểm chia tay mùa đông giá rét. Vào những ngày đầu năm mới, người dân chỉ mặc trang phục dân tộc truyền thống và cùng nhau ăn uống, sinh hoạt vui vẻ.

Phụ nữ Mông Cổ kiêu sa, lộng lẫy trong trang phục truyền thống vào ngày đầu năm mới

(Phụ nữ Mông Cổ kiêu sa, lộng lẫy trong trang phục truyền thống vào ngày đầu năm mới)

3. Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán có ý nghĩa thiêng liêng đối với bất cứ nền văn hoá nào. Đây không chỉ là dịp đoàn viên, sum họp của các gia đình, mà còn là ngày mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc cần mẫn, hăng say.

Người lớn mong tới Tết một thì trẻ con mong tới Tết mười. Tết nghĩa là xúng xính áo hoa, là thả ga ăn quà bánh, là hễ gặp người lớn là được nhận lì xì.

Tết Nguyên Đán là thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới theo Âm lịch. Lúc cỏ cây đâm chồi nảy lộc, sự sống sinh sôi. Tựa như tượng trưng cho những điều mới mẻ và niềm hy vọng vào một năm mới đầy những sự vươn lên mạnh mẽ.

Với trẻ con, Tết nghĩa là được xúng xính, điệu đà váy hoa

(Với trẻ con, Tết nghĩa là được xúng xính, điệu đà váy hoa)

4. Các giai đoạn chính trong Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán có năm giai đoạn chính, lần lượt cụ thể như sau.

Rằm tháng Chạp

Cúng rằm tháng Chạp là hoạt động khởi động đầu tiên chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, mà cụ thể là bước đệm cho lễ cúng ông Táo và cúng giao thừa. Người Việt mình quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt”, nên thường tổ chức cúng rằm tháng Chạp vô cùng kỹ lưỡng, chu đáo. 

Mâm cơm thịnh soạn cúng rằm tháng Chạp

(Mâm cơm thịnh soạn cúng rằm tháng Chạp)

Cúng ông Công ông Táo

Công việc tiếp theo trong hành trình sửa soạn đón Tết là cúng ông Công ông Táo, thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Ông Táo là vị thần có vai trò rất quan trọng trong văn hoá người Việt, vì vậy trong ngày cúng ông Táo cũng phải trang trọng, đầy đủ lễ nghi.

Tục thả cá chép cho ông Táo về trời vẫn được duy trì tới ngày nay

(Tục thả cá chép cho ông Táo về trời vẫn được duy trì tới ngày nay)

Tất niên

Người Việt thường chuẩn bị mâm cúng Tất niên thịnh soạn hơn. Vì sau lễ cúng các gia đình thường tề tựu đông đủ cùng một số láng giềng, bạn bè thân thiết dùng bữa cơm thân mật.

Tiệc tất niên thường là cột mốc cho sự bắt đầu của những ngày nghỉ xả hơi. Vậy mọi người được nghỉ tết năm 2022 vào khi nào? Xem tại: ''Lịch nghỉ Tết 2022 - Tết Nguyên Đán và Tết Dương Lịch được nghỉ bao nhiêu ngày?''

Sắp dọn bàn thờ

Sắp dọn bàn thờ là truyền thống tốt đẹp của người Việt

(Sắp dọn bàn thờ là truyền thống tốt đẹp của người Việt)

Ngay sau Tất niên, các gia đình sẽ tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Và bàn thờ tổ tiên chính là vị trí được quan tâm sắp dọn cẩn thận nhất. Bàn thờ sau khi lau chùi được bài trí theo truyền thống và dù có khác biệt vùng miền đến đâu vẫn không thể thiếu mâm ngũ quả ở chính diện.

Giao thừa

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Cúng giao thừa thường gồm hai mâm cỗ đơn giản: Một trong nhà để cúng gia tiên, một trước sân cúng thiên địa.

Mâm cúng đêm giao thừa

(Mâm cúng đêm giao thừa)

5. Các phong tục diễn ra trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt

Rất nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra khắp nơi trong dịp Tết Nguyên Đán.

Ba ngày Tân niên

Từ câu thành ngữ “mồng Một Tết Cha, mồng Hai Tết Mẹ, mồng Ba Tết Thầy”, dễ thấy được tầm quan trọng của ba ngày Tân niên của dịp Tết Nguyên Đán. Ba ngày này vẫn tổ chức cúng cơm, cùng với thăm viếng trong họ hàng nội ngoại hai bên và láng giềng thân thuộc.

Xông đất

Xông đất vào mồng Một là tục lệ đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người Việt. Kể từ thời khắc giao thừa, bất cứ ai bước vào nhà cũng được cho là đã “xông đất” chủ nhà. Sở dĩ người này rất quan trọng vì họ quyết định phần nào việc làm ăn của chủ nhà trong năm mới. 

Xuất hành và hái lộc

Xuất hành vào ngày Tết không hề đơn giản, phải chọn đúng giờ tốt để đi tìm phúc lộc cho bản thân, gia đình. Nhiều người Việt xuất hành đầu năm đến chùa, và không quên hái lộc - thường là một nhánh trầu để lấy may mắn cho cả năm.

Người Việt thường xuất hành đến chùa vào ngày đầu năm mới

(Người Việt thường xuất hành đến chùa vào ngày đầu năm mới)

Chúc Tết

Ngày mồng Một cũng là lúc con cháu tề tựu tại nhà thờ tộc để chúc Tết ông bà, người lớn trong họ hàng. Tục chúc Tết là tục không bao giờ đổi thay qua các năm vì nó thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn người cao tuổi và những đấng sinh thành.

Tục thăm viếng

Người Việt thăm viếng họ hàng, làng xóm, bè bạn xuyên suốt ba mồng Tết và thậm chí trong cả bảy ngày xuân. Những chuyến viếng thăm thường chỉ kéo dài khoảng từ 5 - 10 phút nhưng chứa đầy những lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, an lành.

Mừng tuổi

Mừng tuổi là tục không thể nào thiếu vắng mỗi dịp Tết đến xuân về. Bất cứ đứa trẻ nào cũng ngóng đợi được nhận những phong bao đỏ tươi xinh xắn cùng lời chúc chăm ngoan, học giỏi từ người lớn.

Trẻ con vui nhất là được nhận lì xì

(Trẻ con vui nhất là được nhận lì xì)

Hóa vàng

Tục hoá vàng thường tổ chức vào mồng Bốn Tết Nguyên Đán. Đây là ngày nhiều gia đình Việt làm lễ cảm tạ tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu. Tục đốt vàng mã diễn ra sau lễ cúng, với mong ước tổ tiên ở cõi âm sống no đủ và phù hộ cho con cháu trên dương gian.

Khai hạ

Lễ Khai hạ diễn ra vào mồng Bảy - ngày cuối của chuỗi lễ hội Tết chính thức. Trong ngày này, những gia đình đã trồng cây nêu trước đó đem cây hạ xuống, coi như khép lại những ngày Tết Nguyên Đán và bắt tay vào làm ăn.

6. Một số hoạt động trong những ngày lễ Tết truyền thống

Sắm Tết

Trước Tết, nhà nhà người người đổ xô đi sắm sửa cho Tết. Các phiên chợ Tết thường mở rất sớm và đóng muộn, bán đủ các mặt hàng phục vụ cho Tết như lá dong, gạo nếp, gà luộc, trái cây… Tết thì cũng không thể chiếu chợ hoa muôn màu muôn vẻ.

Đỏ rực những phiên chợ Tết Việt

(Đỏ rực những phiên chợ Tết Việt)

Dọn dẹp, trang trí

Song song với hoạt động sắm Tết là dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Những ngày dọn nhà là những ngày các thành viên trong gia đình chung tay cùng nhau làm việc. Ai cũng than mệt nhọc nhưng thực chất trong lòng rất vui vì hoạt động này không bao giờ thiếu vắng tiếng cười.

Ẩm thực ngày Tết

Ngày Tết Việt không thể thiếu bánh chưng dưa hành, bánh tét, các loại mứt ngọt, mâm ngũ quả và đặc biệt là dưa hấu đỏ dán giấy đỏ, các loại bánh kẹo truyền thống tùy theo từng vùng miền. Thức uống thì có các loại rượu nếp để những bữa tiệc Tết thêm đậm đà.

Bánh chưng - món ăn truyền thống nghe thôi đã thấy Tết về

(Bánh chưng - món ăn truyền thống nghe thôi đã thấy Tết về)

Lễ hội Tết

Các hoạt động lễ hội Tết đặc sắc như đấu cờ người, múa lân, đua thuyền… tùy theo bản sắc văn hóa từng địa phương. Rất nhiều nơi nhộn nhịp Hội hoa xuân, với những con đường rợp hoa ngút ngát tầm mắt, hay các phiên chợ Tết tấp nập người qua lại.

Tháng Giêng là tháng của lễ hội, nếu bạn chỉ biết đến Tết Nguyên Đán thì thật uổng phí. Hãy đọc ngay bài viết này để biết thêm những ngày lễ thú vị khác: ''Đọc ngay để không bỏ lỡ những ngày lễ, Tết quan trọng ở Việt Nam và trên khắp thế giới''

Tín ngưỡng ngày Tết

Những ngày Tết là dịp người Việt chú trọng điềm lành và những điều kiêng kỵ. Điểm lành như sau giao thừa hoa mai nở rộ thì năm đó làm ăn phát tài, điều kỵ như quét nhà ba ngày Tết từ lâu đã ăn sâu vào tâm thức người Việt.

Tết Nguyên Đán thực sự là một dịp lễ trọng đại, gắn liền với những kỷ niệm thân thương trong lòng mỗi người con đất Việt. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về Tết, để từ đó yêu và trân trọng Tết hơn.