Ngay sau cái tấp nập, huyên náo của Tết Âm lịch chính là sự dịu dàng, an tịnh của Tết Nguyên Tiêu. Vậy dịp Tết này có gì đặc biệt và thú vị? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây!
(Tết Nguyên Tiêu đẹp mộng mơ, dịu dàng)
1. Tết Nguyên Tiêu là tết gì? Ý nghĩa Tết Nguyên Tiêu
Tết Nguyên Tiêu có khởi nguồn từ Trung Quốc. Đây chính là ngày Rằm tháng Giêng và là một ngày lễ truyền thống quan trọng của người Trung. Ở Việt Nam, Tết Nguyên Tiêu có tên gọi khác là Tết Thượng Nguyên.
Tết Nguyên Tiêu bắt đầu từ giữa đêm 14, kéo dài trong cả ngày 15 đến hết nửa đêm trăng rằm của tháng giêng Âm lịch. Cái tên Nguyên Tiêu nghĩa là đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới, với chữ “nguyên” nghĩa là đầu tiên, “tiêu” nghĩa là đêm.
Người Việt mình quen gọi Tết Nguyên Tiêu là Tết Thượng Nguyên hơn. Đơn giản vì Việt Nam ngoài cúng rằm tháng Giêng còn cúng rất lớn vào rằm tháng Bảy (còn gọi là Tết Trung Nguyên) và rằm tháng Mười (còn gọi là Tết Hạ Nguyên).
(Tết Nguyên Tiêu là dịp để quây quần ngắm cảnh đẹp dưới trăng cùng người thân)
Có rất nhiều câu chuyện làm sáng tỏ ý nghĩa của Tết Nguyên Tiêu, nhưng suy cho cùng đây như một cái “Tết muộn” vậy. Đây cũng là dịp đoàn viên cho những người đã lỡ mất Tết Âm lịch, họ sẽ trở về ngắm cảnh đẹp đêm trăng, hàn huyên tâm sự cùng người thân gia đình.
Những người cúng lễ Tết Nguyên Tiêu đều cho rằng dịp lễ này rất quan trọng. Thường thì mỗi gia đình sẽ thờ cúng theo kiểu riêng của mình. Tuy nhiên có một điểm chung đó là phải thờ cúng Gia Tiên để thể hiện lòng biết ơn, kính trọng người đã khuất.
2. Tết Nguyên Tiêu 2021 vào ngày nào Dương Lịch?
Tết Nguyên Tiêu diễn ra sau Tết Nguyên Đán khoảng một tuần, rơi vào ngày 15 Âm lịch tháng Giêng hằng năm. Tết Nguyên Tiêu năm 2021 rơi vào ngày 26 tháng 2 Dương Lịch, tức là thứ Sáu.
(Nắm rõ lịch Tết Nguyên Tiêu để không bị lỡ các hoạt động ý nghĩa trong ngày này)
Có rất nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Tiêu, bên cạnh việc thờ cúng tại nhà và đi lễ chùa. Vì vậy hãy để ý đánh dấu vào lịch để cùng bạn bè, người thân dạo chơi dịp Tết Nguyên Tiêu nhé!
Sự tích - Nguồn gốc về ngày rằm tháng Giêng
Tết Nguyên Tiêu có rất nhiều sự tích giải thích cho lý do ra đời. Trong số đó, có 2 câu chuyện là phổ biến.
Sự tích 1: Truyền thuyết về con thiên nga
Chuyện kể rằng, Ngọc Hoàng vốn rất quý một con thiên nga lông trắng muốt. Ngày họ, thiên nga ta bay xuống dạo chơi trần thế, bị một người thợ săn bẫy chết. Ngọc Hoàng biết tin, nổi cơn thịnh nộ, lệnh cho Thiên binh Thiên tướng thiêu trụi hạ giới vào ngày rằm tháng Giêng.
(Truyền thuyết Tết Nguyên Tiêu xuất phát từ thiên nga trắng được rất nhiều người truyền miệng)
Biết Ngọc Hoàng giận quá mất khôn, một vị thần vội vã hạ trần để ứng cứu dân lành. Vị thần mách cho người dân treo thật nhiều đèn lồng đỏ trước nhà vào ngày rằm, có vậy thì mới mong thoát nạn.
Đêm rằm tháng Giêng, Ngọc Hoàng ở trên cao dõi xuống trông thấy hạ giới chìm trong biển đỏ. Nghĩ rằng Thiên binh Thiên tướng đã hoàn thành mệnh mệnh phóng hoả diệt trừ hạ giới nên thôi không còn để tâm.
Nhờ kế sách ứng cứu kịp thời của vị thần nọ mà trần gian thoát chết. Nhà nhà người người đều hoan hỷ, năm nào cũng giữ thói quen cứ rằm tháng Giêng là treo đèn lồng đỏ, thờ cúng nghiêm chỉnh để nhớ ơn thần linh phù trợ. Tết Nguyên Tiêu đã ra đời như vậy.
Sự tích 2: Nàng cung nữ hiếu thảo Nguyên Tiêu và đại thần Đông Phương Sóc thời Tây Hán
Trong sự tích số 2, một nàng cung nữ tên Nguyên Tiêu hễ xuân về lại nhớ nhà da diết. Nàng khao khát được về thăm cha mẹ nhưng quân lính lại canh phòng quá cẩn mật. Hiểu được nỗi lòng ấy, đại thần Đông Phương Sóc của Hán Vũ Đế quyết định hiến kế giúp đỡ nàng.
(Đại thần Đông Phương Sóc giúp nàng cung nữ Nguyên Tiêu đoàn tụ gia đình vào rằm tháng Giêng)
Kế của ông là tung tin thành Trường An bị Hỏa thần thiêu cháy vào ngày rằm tháng Giêng, vì vậy toàn dân phải treo đèn lồng đỏ để qua mắt thần. Nhà vua cũng đồng ý vào ngày đó sẽ rời cung lánh nạn. Nhờ vậy mà nàng Nguyên Tiêu được sum họp với cha mẹ già.
Cũng từ đó, năm nào các cung nữ cũng được về thăm nhà, còn người dân vẫn giữ thói quen treo đèn lồng đỏ như một cách để xua đuổi điềm dữ. Tục lệ ấy vẫn tồn tại đến tận bây giờ và trở thành Tết Nguyên Tiêu tại Trung Quốc.
3. Tết Nguyên Tiêu của Việt Nam và Trung Hoa có gì khác nhau?
Cùng một tên gọi nhưng vì bản sắc văn hóa khác biệt, Tết Nguyên Tiêu ở Việt Nam và Trung Hoa rất khác nhau.
Tại Trung Hoa
Tết Nguyên Tiêu ngày xưa có tên gọi là Tết Trạng Nguyên. Đây là dịp mà vua chúa gặp gỡ các trạng để cùng nhau ngắm trăng, xem hoa, làm thơ, ăn tiệc. Ngày nay, Tết Trạng Nguyên được biết đến nhiều hơn với tên gọi Lễ hội hoa đăng.
(Tương tự như hoa đăng, Tết Nguyên Tiêu của người Trung không thể thiếu món bánh trôi)
Hoa đăng có thể nói là vật không thể nào thiếu vắng trong dịp Tết Nguyên Tiêu. Tục thả hoa đăng có lẽ bắt nguồn từ thói quen chơi đèn lồng đủ hình thù màu sắc của người Trung. Bên cạnh đó, người Trung Hoa còn có một món ăn không kém phần đặc biệt cho ngày này, đó là món chè trôi nước ngũ sắc.
Đối với người Trung, Tết Nguyên Tiêu quan trọng và thiêng liêng không thua gì Tết Âm Lịch cả. Nhiều người trẻ còn xem ngày này như Valentine phương Đông, ngày mà họ sẽ đi thổ lộ tình cảm của mình nhiều hình thức khác nhau.
Ngày lễ tình nhân Valentine ở phương Đông được tổ chức vào ngày nào? Và ý nghĩa thực sự của nó là gì? Đọc thêm tại: ''Lễ tình nhân Valentine là ngày nào? Bí quyết để có lễ tình nhân lãng mạn bên người ấy''
Tại Việt Nam
Tết Nguyên Tiêu từ Trung Quốc du nhập vào nước ta trong thời Bắc thuộc. Do chịu nhiều ảnh hưởng từ đạo Mẫu và đạo Phật nên Tết Nguyên Tiêu của người Việt có nhiều nét khác biệt rõ rệt so với của người Hoa.
(Giới trẻ Việt thả hoa đăng vào Tết Nguyên Tiêu để cầu bình an)
Tết Nguyên Tiêu rơi đúng vào Rằm tháng Giêng hằng năm chính là một trong bốn ngày lễ lớn nhất của người Việt. Đây là ngày mà không chỉ các Phật tử đến viếng chùa mà rất nhiều người dân cũng cùng nhau đi lễ Phật cầu bình an.
Tuy không được biết đến phổ biến như Lễ Phật đản và Lễ Vu Lan, nhưng Tết Nguyên Tiêu vẫn được tổ chức thường niên và nhận được sự quan tâm của phần đông giới trẻ. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì nó thể hiện tinh thần hướng đến cội rễ dân tộc.
Tại sao Lễ Vu Lan là một trong những ngày lễ quan trọng đối với Phật giáo và cả người dân Việt Nam? Tham khảo thêm tại: ''Lễ Vu Lan báo hiếu - Nên làm gì để đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ?''
4. Tại sao "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng"?
Sau khi du nhập sang nước Việt, Tết Nguyên Tiêu được tôn vinh qua câu thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”. Câu thành ngữ như để củng cố thêm ý nghĩa quan trọng của Tết Nguyên Tiêu vậy.
(Rằm tháng Giêng của người Việt liên quan mật thiết đến Phật giáo)
Dễ thấy Phật giáo gắn liền với bản sắc văn hóa người Việt. Những hoạt động đặc biệt vào rằm tháng Giêng ở nước mình chính là minh chứng hùng hồn nhất.
Nói “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” là để nhấn mạnh Tết Nguyên Tiêu của người Việt đã, đang và sẽ tiếp tục được nhớ đến và long trọng tổ chức.
Mọi người cũng truyền tai nhau rằng, trong ngày này nếu đi lễ Phật thì sẽ có nhiều may mắn, tài lộc. Nếu bỏ lỡ dịp này thì thật đáng tiếc.
5. Những hoạt động vào ngày Tết Nguyên Tiêu của một số nước
Hoạt động phổ biến nhất vào Tết Nguyên Tiêu ở Việt Nam đó là đi viếng chùa cầu an. Ngày này cũng là dịp các gia đình quây quần bên mâm cơm sum họp. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động phù hợp cho nhiều lứa tuổi như tham gia thi đọc thơ, xem múa lân, thả hoa đăng...
(Rằm Tháng Giêng của người Việt là đoàn viên bên mâm cơm gia đình)
Người Hàn Quốc ăn rằm tháng Giêng bằng lễ Daeboreum với nhiều hoạt động thú vị như diễu hành, leo núi. Trong khi rằm tháng Giêng của người Nhật lại là lễ Koshōgatsu với các nghi lễ cầu nguyện cho mùa vụ bội thu trong năm mới và ăn cháo đậu đỏ.
Ở Thái Lan, Tết Nguyên Tiêu là lễ hội Phật giáo Makha Bucha. Phật tử và những người quan tâm tới ngày lễ sẽ đến chùa, cùng thắp sáng hàng trăm nghìn ngọn đèn lồng. Người Đài Loan khác biệt ở chỗ thay vì thả hoa đăng sẽ ghi những lời ước nguyện vào đèn lồng thả lên trời.
(Tục thả đèn trời được duy trì ở rất nhiều quốc gia Đông Nam Á)
Vào một dịp ý nghĩa như Tết Nguyên Tiêu mà được cùng người thân đi thả hoa đăng thì còn gì bằng? Hãy đánh dấu ngày này vào lịch để có khoảng thời gian ý nghĩa bạn nhé!